Thủ tục Cấp chứng chỉ Môi giới bất động sản

10/20/2013 Add Comment
Trình tự thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ phận nhận – trả hồ sơ của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (số 60 Trương Định, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Thời gian nhận hồ sơ: sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; chiều 13 giờ đến 17 giờ từ thứ hai đến sáng thứ sáu hàng tuần.

Khi nhận hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ:
* Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ thì viết biên nhận hẹn ngày trả kết quả cho người nộp.
* Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận của Phòng Quản lý năng lực hành nghề xây dựng Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (số 60 Trương Định, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Thời gian trả hồ sơ: sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; chiều 13 giờ đến 17 giờ từ thứ hai đến sáng thứ sáu hàng tuần.

thu tuc moi gioi bat dong san

Cách thức thực hiện:
Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước.
Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Đơn xin cấp chứng chỉ có dán ảnh 4x6 và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người xin cấp chứng chỉ.
- 02 ảnh mầu cỡ 3 x 4 cm chụp trong năm xin cấp chứng chỉ.
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người xin cấp chứng chỉ.
- Bản sao giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh.
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không có.
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh.
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không có.

Kết quả thủ tục hành chính: chứng chỉ hành nghề

Lệ phí (nếu có): Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: 200.000 đồng/chứng chỉ.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có): Đơn đăng ký cấp chứng chỉ môi giới bất động sản.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):
a) Không phải là cán bộ, công chức nhà nước.
b) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị cấm hành nghề theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù.

Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
  • Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản.
  • Quyết định số 29/2007/QĐ-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Trưởng Bộ xây dựng về việc ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Môi giới bất động sản, định giá bất động sản và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản.
  • Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21 tháng 5 năm 2008 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

Xem mẫu đơn đăng ký cấp chứng chỉ môi giới bất động sản:


Download mẫu đơn trên

Mở rộng đô thị và tái định cư là điều tất nhiên của phát triển

10/20/2013 Add Comment

Công việc bồi thường giải phóng mặt bằng thường là những việc nặng nề nhất của các dự án đầu tư. Trong nhiều trường hợp do không chuẩn bị tốt việc tái định cư, không xác định giá cả bồi thường hợp lý, không kiên quyết thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng đã làm nhiều công trình bị ách tắc. Từ đó nhiều người đã ngộ nhận rằng việc bồi thường giải tỏa là trở lực của các dự án phát triển. Quan niệm không đúng này dễ dẫn đến các giải pháp sai lầm khi thực hiện giải phóng mặt bằng để cải tạo và phát triển đô thị

phat trien do thi


Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Đây cũng là quá trình phát triển đô thị hóa và phát triển toàn diện đất nước. Toàn bộ quá trình này có 4 tiến trình song hành:

Một là tiến trình di dân từ nông thôn về đô thị và vùng kinh tế mới. Hiện nay mức độ đô thị hóa của nước ta mới đạt 25%. Khi việc công nghiệp hóa thành công (vào khoảng năm 2020), mức độ đô thị hóa có thể đạt tới 40 – 45%, lúc ấy dân sống trong các đô thị sẽ tăng lên đến khoảng 40 triệu người. Đây là quá trình tái định cư vào đô thị theo nhu cầu phát triển đất nước. Ngoài di dân vào đô thị, việc khai hoang mở các nông trại, các lâm trường cũng là một khâu quan trọng trong việc tái bố trí dân cư nhằm mục đích khai thác tốt hơn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hai là tiến trình tái bố trí mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Việc quy hoạch cải tạo và phát triển các đô thị để phục vụ quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa là một công việc tất yếu. Tiến trình này ở đô thị có 2 nội dung: cải tạo chỉnh trang đô thị cũ và quy hoạch phát triển các khu đô thị mới. Khi thực hiện các quy hoạch này không tránh khỏi việc di dời tái định cư.

Ba là tiến trình nâng cao năng suất lao động, đồng thời với nó là nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế vì năng suất lao động công nghiệp cao hơn năng suất lao động nông nghiệp giản đơn. Quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi đào tạo và đào tạo lại lao động. Việc tái định cư phải đảm bảo việc này để phục vụ công nghiệp hóa đất nước.

Bốn là tiến trình cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân là mục tiêu cơ bản của phát triển. Phương châm chỉ đạo cơ bản của công tác bồi thường tái định cư là đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Mỗi người dân sẽ được hưởng lợi từ 2 nguồn: từ sự bồi thường tái định cư trực tiếp khi thực hiện dự án và từ sự phát triển chung của đô thị do dự án mang lại. Đời sống của người dân không ngừng nâng cao là biểu hiện của phát triển.

Như vậy, thực chất của quá trình phát triển đô thị là quá trình tái định cư.

Phát triển kinh tế – xã hội gồm rất nhiều lĩnh vực: công – nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí. Bản chất các công việc ấy là tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm chỗ ở và các dịch vụ phục vụ nhân dân ngày một đông hơn của đô thị. Đó là quá trình cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ, xây dựng mới các khu công nghiệp và dân cư ở khu vực đô thị hóa. Nếu đứng về mục tiêu con người thì quá trình phát triển đô thị này chính là quá trình tái định cư. Việc phát triển các khu đô thị mới, phát trển nhà ở kéo theo nhiều ngành kinh tế phát triển.

Việc tái định cư có tầm quan trọng như vậy nhưng lâu nay các chính sách trong lĩnh vực này còn thiếu và rời rạc. Chính sách tái định cư không thể chỉ là chính sách giải tỏa bồi thường mà nó nằm trong tất cả các chính sách và pháp luật liên quan đến cải tạo và phát triển đô thị từ khâu quy hoạch đến đầu tư xây dựng, tới quản lý các khu dân cư mới.

Do một thời gian dài vấn đề tái định cư chỉ được quan tâm như là một biện pháp hỗ trợ bồi thường giải tỏa nên đã để lại một số hậu quả xấu cho phát triển thể hiện ở một số vấn đề sau:
- Việc quản lý đầu tư xây dựng các khu dân cư mới chưa được chú trọng. Hiện tượng đầu cơ đất gây trở ngại cho nhu cầu tái định cư. Các khu dân cư mới không được hình thành đồng bộ, gây trở ngại cho người dân đến ở (thiếu cơ sở hạ tầng).
- Về tài chính đô thị, có sự mất cân đối giữa đầu tư tư nhân và đầu tư cộng đồng. Biểu hiện ở chỗ nhà ở của tư nhân đầu tư quá lớn trong khi hạ tầng đô thị (đầu tư của cộng đồng) quá thiếu.
- Về trình tự đầu tư có sự đảo lộn, lẽ ra phải tạo hạ tầng đô thị trước, nơi ở sau. Quá trình xây dựng ở nhiều khu dân cư tự phát thì ngược lại.
- Thiếu quan tâm đến chỗ ở cho công nhân, sinh viên (số đông là nhập cư) và người có thu nhập thấp.
- Thiếu quan tâm đến các điều kiện sống khác ngoài chỗ ở, đặc biệt là việc làm.
- Thiếu sự quan tâm của người dân và cộng đồng dân cư vào quá trình cải tạo và phát triển đô thị. Việc tuyên truyền các lợi ích chưa đầy đủ, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng để phục vụ lại họ còn yếu.

Từ các cách tiếp cận như trên, có thể rút ra được một số kết luận về chính sách tái định cư như sau:
1) Tái định cư không phải là một công việc hỗ trợ bồi thường giải tỏa mà là một lĩnh vực phát triển đô thị. Trong lĩnh vực đó phải lấy mục tiêu phát triển đồng bộ của các khu dân cư, tăng số lượng và chủng loại của quỹ nhà để đáp ứng mọi nhu cầu về tái định cư.
2) Việc cải tạo tại chỗ đô thị cũng thuộc lĩnh vực tái định cư, việc cải tạo này vừa có lợi cho cộng đồng vừa có lợi cho cư dân. Do đó các dự án cải tạo đô thị là các dự án đa ngành do cộng đồng dân cư tại chỗ trực tiếp tham gia ra quyết định.
3) Phát triển đô thị thực chất là quá trình tái định cư, việc quản lý phát triển các khu đô thị mới có ý nghĩa quyết định tới chính sách tái định cư
4) Có chính sách tài chính thích hợp để huy động nguồn lực cho đầu tư cải tạo và phát triển đô thị.

Cần chú ý thêm rằng, tái định cư là di chuyển và thay đổi cuộc sống của con người, đây không chỉ là quá trình chuyển dịch vật chất mà còn là quá trình cắt bỏ các quan hệ cũ và tạo lập các quan hệ mới. Tái định cư thường là di dời tái định cư các căn hộ, nghĩa là bên cạnh sự ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình, còn có sự ràng buộc giữa mỗi người trong đó với môi trường xung quanh:
- Công ăn việc làm
- Chỗ ở
- Nơi học hành
- Điều kiện đi lại và sự tiếp cận với các dịch vụ
- Quan hệ láng giềng

Trong các mối ràng buộc này, việc làm và thu nhập là nhu cầu cơ bản. Giải quyết một lúc các mối quan hệ đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân với lợi ích chung là một công việc phức tạp.

Các dự án nào buộc phải tái định cư?

10/20/2013 Add Comment

Tại các quốc gia đang phát triển và tại Việt Nam, tái định cư thường để thực hiện các loại dự án:

du an thuy dien tai dinh cu


- Các công trình thủy điện, xây đập, đào hồ thủy lợi. Đây là dạng điển hình về ảnh hưởng của phát triển dự án đến đời sống của người dân, do phạm vi di dời thường rất lớn.
- Các công trình dạng tuyến: đường cao tốc, quốc lộ, làm mới hoặc mở rộng đường hiện hữu; phát triển kênh, rạnh; hành lang các tuyến tải điện; mở các tuyến cấp thoát nước v.v.
- Phát triển các hạ tầng đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác như công viên, khu vui chơi, trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học v.v.
- Phát triển các khu dân cư mới trong quá trình đô thị hóa; cải tạo các khu dân dân cư lụp xụp trong nội thành; xây dựng các công trình công ích của cộng đồng dân cư nông thôn
- Các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp mới, các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại.

Tái định cư là gì? Phân loại tái định cư

10/20/2013 Add Comment

Tái định cư là một vấn đề lớn của quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong những trường hợp điển hình như xây đập, làm đường, phát triển đô thị


tai dinh cu


Một số khái niệm có liên quan đến "Tái định cư":
  • Thu hồi đất:
    Thu hồi đất đang sử dụng là hình thức chuyển giao quyền sử dụng diện tích đất đai nhất định từ chủ thể này sang chủ thể khác. Hay: Thu hồi đất là việc nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, UBND xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của Luật đất đai năm 2003 (Điều 4 LĐĐ 2003).
  • Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất:
    Là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất (Đ4 LĐĐ 2003). Bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất là việc khôi phục lại giá trị tài sản, nguồn sinh sống, lợi ích vật chất và tinh thần theo nghĩa rộng cho người sử dụng đất bị ảnh hưởng do quá trình triển khai thực hiện dự án – là hình thức trách nhiệm dân sự để bù đắp những tổn thất về vật chất tinh thần cho bên thiệt hại nhưng thiệt hại này không phải do hành vi trái pháp luật (của nhà đầu tư hay của Nhà nước) gây ra, mà thực chất là kết quả của chu trình “phá hủy – tái tạo” trong quá trình phát triển đô thị và kinh tế – xã hội.
  • Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
    Là việc Nhà nước giúp đỡ người bị thu hồi thông qua đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới.
Như vậy, Tái định cư là một khái niệm mang nội hàm khá rộng, dùng để chỉ những ảnh hưởng tác động đến đời sống của người dân do bị mất tài sản và nguồn thu nhập trong quá trình phát triển dự án gây ra, bất kể có phải di chuyển hay không và các chương trình nhằm khôi phục cuộc sống của họ. Tái định cư bao hàm cả việc thực hiện chính sách bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. Tái định cư theo nghĩa hẹp là quá trình di chuyển người dân đến nơi ở mới.

Phân loại tái định cư:
1/ Về hình thức, việc tái định cư có các dạng:
- Di dân vào vùng đô thị hóa
- Chuyển dịch nội ngoại thành, bao gồm từ việc thực hiện các chương trình cải tạo đô thị cho tới việc chuyển dịch theo sở nguyện của người dân
- Tái định cư tại chỗ khi thực hiện các dự án chỉnh trang khu dân cư
2/ Xét về sở nguyện của người dân cũng có nhiều mức độ:
- Tái định cư tự phát: là việc mua bán đất và xây dựng trái phép không theo quy hoạch. Do việc xây dựng trái phép ở khu vực không có hạ tầng, giá đất rẻ nên nhiều người có thu nhập thấp, trong đó có nhiều người thuộc diện giải tỏa từ các dự án nhận tiền bồi thường tự lo chỗ ở.
- Tái định cư tự giác: là việc tái định cư để thực hiện các dự án và người dân tự giác chấp hành kế hoạch và phương thức tái định cư, kể cả việc tạo lập chỗ ở mới ở các dự án phát triển nhà
- Cưỡng bức tái định cư: thường là cưỡng bức giải tỏa và bố trí chỗ ở cho những người bị giải tỏa chưa được sự đồng thuận của họ. Nhiều trường hợp không kiên quyết đã gây ra ách tắc cho đấu tư phát triển.
3/ Xét về tính chất, tái định cư có 2 dạng:
- Tái định cư bắt buộc: để thực hiện các dự án phục vụ lợi ích chung. Nhìn chung các quốc gia trên thế giới đều xác lập quyền ưu tiên của nhà nước trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án này ví lợi ích quốc gia.
- Tái định cư tự nguyện: thông thường trong các dự án cải tạo đô thị ở quy mô nhỏ, vì lợi ích trực tiếp của những người tham gia thực hiện dự án.

Quy định về hỗ trợ tái định cư

10/08/2013 Add Comment

Hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất


ho tro tai dinh cu

  1. Nhà ở, đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
    Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
    Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó.
  2. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư tập trung trừ trường hợp đã được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể tại địa phương quy định về suất tái định cư tối thiểu và mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Bên cạnh đó:
  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao và đất nông nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định này) thì được hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định sau đây:
    + Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng;
    + Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng;
    + Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại các điểm a và b khoản này được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
  • Khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh, mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh, thì được hỗ trợ cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của ba năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận.
  • Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ cao nhất bằng giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
  • Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả hỗ trợ theo quy định.

Nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

10/01/2013 Add Comment

Nguyên tắc bồi thường được quy định như sau:


dat nong nghiep

  1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng.
  2. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt hạn mức thì việc bồi thường được thực hiện như sau:
    + Trường hợp diện tích đất vượt hạn mức do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường;
    + Diện tích đất vượt hạn mức của các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
  3. Trường hợp đất thu hồi là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được bồi thường về đất, người thuê đất công ích của xã, phường, thị trấn được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
  4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
  5. Đất nông nghiệp sử dụng chung của nông trường, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, nếu chi phí này là tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Khi thu hồi đất, nhà nước có các khoản hỗ trợ bao gồm:
  1. Hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở;
  2. Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp;
  3. Hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp trong khu dân cư; đất vườn, ao không được công nhận là đất ở;
  4. Hỗ trợ khác.
Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ kinh phí để di chuyển. Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đang sử dụng đất hợp pháp khi Nhà nước thu hồi mà phải di chuyển cơ sở sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt. Người bị thu hồi đất ở mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới (bố trí vào khu tái định cư) được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể.